Nâng cao vị thế mỹ thuật Thái Bình

02/12/2020

Ngày 7/12/1970 đánh dấu sự ra đời của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Cũng từ đây, Chi hội Mỹ thuật được thành lập. Qua 50 năm hình thành và phát triển, hiện nay Chi hội có hơn 40 hội viên, trong đó gần 50% hội viên đã được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hăng say lao động nghệ thuật, các họa sĩ nỗ lực từng ngày để đem đến cho công chúng trong và ngoài tỉnh những tác phẩm ấn tượng, cùng với đó là việc nâng cao vị thế của mỹ thuật Thái Bình với các tỉnh trong khu vực cũng như cả nước.

Tác phẩm của họa sĩ Đỗ Như Điềm

Những dấu ấn đáng tự hào

Dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), triển lãm tranh chân dung huyền thoại Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của họa sĩ Hoàng Công Tản, hội viên Chi hội Mỹ thuật Thái Bình tổ chức tại Bảo tàng tỉnh đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu nghệ thuật. 15 bức tranh ghép gốm được họa sĩ Hoàng Công Tản thực hiện công phu trong suốt 28 năm là kết tinh của lòng đam mê nghệ thuật cùng tình yêu, sự kính trọng của tác giả với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già của dân tộc và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chia sẻ về triển lãm, họa sĩ Hoàng Công Tản mong mỏi: Những bức tranh ghép gốm của tôi với độ bền tới hàng trăm năm sẽ là những tác phẩm nghệ thuật góp phần vun đắp lý tưởng cách mạng, lòng kính yêu những con người đã làm rạng danh quê hương, đất nước Việt Nam.

Đến với triển lãm của họa sĩ Hoàng Công Tản, họa sĩ Đỗ Như Điềm, hội viên Chi hội Mỹ thuật Thái Bình chia sẻ, ông cảm thấy bất ngờ trước những bức tranh ghép gốm tuy có khác nhau về kích cỡ, sắc màu nhưng tựu chung lại cùng thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các dấu mốc lịch sử. Và càng bất ngờ hơn khi những bức tranh với thể loại ghép gốm còn khá xa lạ với công chúng và kén người làm nhưng đã được dày công thực hiện bởi một họa sĩ Thái Bình, điều đó góp phần thôi thúc mỗi người nghệ sĩ nỗ lực sáng tạo nghệ thuật hơn nữa, tạo nên những dấu ấn “để lại cho đời”.

Nhắc tới các thế hệ họa sĩ của Thái Bình, ít ai không biết đến họa sĩ Đỗ Như Điềm - người được mệnh danh là “Vua vẽ tranh cổ động”. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, họa sĩ Đỗ Như Điềm là 1 trong 14 tác giả trên cả nước có tác phẩm tranh cổ động xuất sắc được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lựa chọn in và phát hành đến trung tâm văn hóa, thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, riêng trong năm 2019, ông có tới 17 giải thưởng quốc gia về vẽ tranh cổ động, gồm 3 giải nhất, 2 giải nhì, 6 giải ba, 6 giải khuyến khích. Sau gần 50 năm theo nghiệp vẽ, giờ đây, ở tuổi 70 họa sĩ Đỗ Như Điềm vẫn hăng say sáng tác với nét vẽ khoáng đạt, những bức tranh mang tính thời sự, cổ động cao.

Bên cạnh đó, trong những năm qua còn nhiều tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ Thái Bình đã đạt giải thưởng cao tại các kỳ triển lãm khu vực cũng như toàn quốc. Phải kể đến như bức tranh “Trước giờ biểu diễn” của họa sĩ Nguyễn Quốc Việt, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật nhận giải A tại triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2016; đây cũng là tác phẩm duy nhất của Thái Bình được lựa chọn trưng bày tại triển lãm mỹ thuật Việt Nam năm 2020. Cùng với đó, nhiều họa sĩ đã nỗ lực khẳng định mình qua việc giới thiệu và trưng bày tác phẩm ở các triển lãm cá nhân được tổ chức tại Thái Bình, Hà Nội như các họa sĩ Nguyễn Thị Mỵ, Hoàng Trung Dũng, Tạ Văn Quân,... hay triển lãm cá nhân tại Đức năm 2019 của họa sĩ Nguyễn Quốc Việt.

Say mê sáng tác

Ngoài hoạt động triển lãm thường niên tại các khu vực, hội viên Chi hội Mỹ thuật còn tích cực tham gia các trại sáng tác được Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Theo họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Chi hội Mỹ thuật: Các hội viên của Chi hội đã nhiều lần được tham dự trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại, đây chính là cơ hội cho mỗi người được giao lưu, học hỏi và cọ xát với những đồng nghiệp ở mọi miền Tổ quốc. Bởi vậy, các họa sĩ đều nhiệt tình tham gia ngay khi có cơ hội với tinh thần làm việc say mê, nghiêm túc, ý thức học hỏi, cầu thị, trách nhiệm, đặc biệt trong việc tiếp cận những chất liệu và loại hình nghệ thuật mới. Niềm vui là nhiều tác phẩm được sáng tác trong dịp này đã được Hội đồng mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao, có những tác phẩm đã được lưu giữ lại Trung tâm Mỹ thuật đương đại. Đây là niềm tự hào của mỹ thuật Thái Bình trong thời kỳ đổi mới.

Chia sẻ về những chuyến đi thực tế sáng tác hàng năm do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tổ chức, họa sĩ Nguyễn Quốc Việt, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật cho biết: Ngoài phần ngân sách được hỗ trợ, các hội viên đã tự nguyện đóng góp kinh phí để mỗi chuyến đi có thể kéo dài từ 5 - 7 ngày. Sau quá trình thực tế sáng tác, chúng tôi sẽ tổ chức trưng bày tác phẩm ngay tại các điểm đến, vừa để các hội viên có thể tiếp thu nhận xét, đóng góp từ chính các đồng nghiệp để hoàn thiện tác phẩm hơn vừa nhân cơ hội này những người dân bản địa được thưởng thức các tác phẩm của các họa sĩ Thái Bình. Mỗi chuyến đi thực tế thêm phần hào hứng, thôi thúc mỗi họa sĩ say mê sáng tác những tác phẩm mang đậm hơi thở của cuộc sống.

Hiện nay, số lượng hội viên trẻ đang chiếm tới 2/3 tổng số hội viên Chi hội Mỹ thuật. Đây là điều đáng mừng bởi theo thống kê, trên 60% hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình có tuổi đời trên 60. Các họa sĩ trẻ với lòng nhiệt huyết, hăng say, nhanh nhạy trong tiếp cận công nghệ hiện đại và đón nhận sự phát triển của nghệ thuật thế giới đang từng ngày tiếp bước các thế hệ đi trước để xây dựng nền mỹ thuật tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Theo Báo Thái Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét